Khách hàng nên mua bảo hiểm toàn diện để giữ độ an toàn cho chiếc xe và bảo vệ tài chính cá nhân.
Khi muốn sở hữu một chiếc ôtô, chúng ta cần đủ kiến thức và kinh phí để tránh những rắc rối. Trong đó, mua bảo hiểm là điều bắt buộc. Bảo hiểm này gồm nhiều loại hình như trách nhiệm, toàn diện, va chạm…
Đối với bảo hiểm trách nhiệm, số tiền bồi thường được trả cho những thiệt hại do chủ xe gây ra đối với tài sản của người khác. Nó cũng thanh toán cho những thương tích chủ xe gây ra cho người khác trong tai nạn và chi phí bào chữa nếu xảy ra kiện tụng. Tuy nhiên, bảo hiểm trách nhiệm pháp lý không bao gồm thiệt hại cho chiếc xe của riêng bạn.
Trong khi đó, bảo hiểm va chạm chỉ chi trả cho những thiệt hại đối với ôtô của bạn và vật thể khác nếu bạn đâm vào. Bảo hiểm này thường đi kèm với các khoản khấu trừ.
Bao gồm các quyền lợi của hai loại hình trên là bảo hiểm toàn diện. Bảo hiểm toàn diện còn chi trả cho hành vi trộm cắp tài sản, thiệt hại do hỏa hoạn, thiên tai, động vật va chạm… cho xe của khách hàng. Nó sẽ thanh toán tối đa giá trị tiền mặt thực tế của chiếc xe.
Ngoài ra còn nhiều hình thức bảo hiểm xe khác. Khách hàng có thể mua các loại bảo hiểm bổ sung như thương tích cá nhân, bảo hiểm cho người lái xe không có bảo hiểm nhân thọ…
Theo ý kiến từ nhiều chuyên gia, chúng ta nên mua bảo hiểm xe trước khi mua xe. Ngoài ra, chủ xe cần lập ngân sách cho phí bảo hiểm, các khoản vay và chi phí bảo dưỡng phương tiện.
Trong quá trình mua xe, nhiều người đã xác định được loại xe quan tâm. Đại lý bảo hiểm có thể cung cấp cho bạn báo giá cho loại xe đó để lập ngân sách phù hợp.
Khách hàng cũng cần hiểu những loại bảo hiểm nào phù hợp với nhu cầu sử dụng. Nếu bạn đang mượn hoặc cho thuê ôtô, bên còn lại rất có thể sẽ yêu cầu bảo hiểm xe toàn diện và va chạm.
Tại Việt Nam, các chuyên gia khuyên chủ xe cơ giới nên căn cứ vào tình hình tài chính của bản thân và mục đích sử dụng đối với chiếc xe để chọn gói bảo hiểm phù hợp. Nếu chiếc xe sở hữu có giá trị trung bình (trên dưới 1 tỷ đồng), nên mua bảo hiểm thân vỏ có điều khoản ngập nước (thủy kích), còn với trường hợp là các dòng xe sang thì nên mua thêm điều khoản bảo hiểm mất trộm, mất cướp bộ phận.
Ngoài ra, khách hàng cũng cần trang bị thêm bảo hiểm thủy kích, lựa chọn cơ sở sửa chữa uy tín, cứu hộ miễn phí (PAN)…
Điều cuối cùng, trước khi quyết định mua, khách hàng nên so sánh báo giá từ nhiều công ty bảo hiểm ôtô. Trong đó, tham khảo qua các website là phương pháp tối ưu nhất để khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí. Lưu ý, nên so sánh báo giá giữa các gói bảo hiểm tương đương nhau để xác định chính xác nhất.
Xem thêm: Bảo hiểm thân vỏ ô tô
Thanh Thư (theo Forbes)